Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu qua về tên miền cũng như khái niệm về bảo hộ, tranh chấp tên miền. Tại bài này sẽ giới thiệu về những vấn đề liên quan đến việc tranh chấp tên miền.
–> Bài viết phần trước: Tìm hiểu về khái niệm bảo hộ, tranh chấp tên miền
Làm thế nào để giảm thiểu tranh chấp tên miền
Điều đơn giản nhất bạn có thể làm là đăng ký ngay tên công ty bạn sẽ có dự định phát triển trong thời gian tới với các nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền.
Theo thực tế đã chứng minh, chi phí bỏ ra để đăng ký tên miền chỉ là một con số rất nhỏ so với số tiền bỏ ra cho tranh chấp. Thông thường tranh chấp tên miền diễn ra rất là lâu và liên quan đến nhiều cơ quan chức năng.
Nên đăng ký tên miền khi nào?
Đối với tên miền là tên công ty, ngay trước khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp hoặc thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam là bạn nên sở hữu tên miền chứa tên công ty rồi.
Tương tự như trên thì đối với thương hiệu bạn cũng phải đăng ký trước khi tung nhãn hiệu ấy ra thị trường.
Tên miền đã bị đăng ký bởi người khác, làm thế nào để lấy lại được?
Có một số biện pháp nhằm đòi lại tên miền, có thể kể đến như:
i) Thương lượng, hòa giải;
ii) Giải quyết thông qua trọng tài;
iii) Thông qua cơ quan giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế;
iv) Khởi kiện tại tòa án;
v) Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với hành vi chiếm giữ quyền sử dụng tên miền hoặc sử dụng tên miền theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính;
Những cơ sở nào có thể áp dụng để có thể đòi lại tên miền đã bị người khác đăng ký mất.
Để đòi lại tên miền đã bị người khác đăng ký, bạn có thể lựa chọn việc giải quyết tranh chấp bằng việc áp dụng:
i) Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền (Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy (UDRP)) scủa Cơ quan Internet quản lý số liệu và tên miền được chuyển nhượng (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers (ICANN)). Nguyên tắc này đã được thừa nhận tại Việt Nam và được quy định trong thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008; hoặc
ii) Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc đăng ký chiếm giữ sử dụng hoặc sử dụng tên miền theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
Cơ quan nào giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế?
Ngoài cơ quan quản lí internet như UDRP, ICANN còn có các tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế sau đây:
i) Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO – http://www.wipo.int/amc/en/domains/);
ii) Diễn đàn trọng tài quốc gia (NAF – http://domains.adrforum.com/);
iii) Công ty CPR (http://www.cpradr.org/);
iv) Công ty eResolution.
Điều kiện để có thể đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp tên miền tại tòa án hoặc các cơ quan giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế.
Theo UDRP cũng như các quy định tại Thông tư 10/2008/TT-BTTTT thì bên khiếu kiện phải đáp ứng đầy đủ điều kiện sau đây nếu muốn được yêu cầu đòi lại tên miền:
i) Tên miền của Người bị khiếu kiện trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại (thương hiệu) hoặc nhãn hiệu dịch vụ mà Người khiếu kiện là người có quyền;
ii) Người bị khiếu kiện không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đối với tên miền đó;
iii) Tên miền mà Người bị khiếu kiện đã đăng ký và đang sử dụng với mục đích xấu.
Chứng cứ chứng minh quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại.
Chứng cứ chứng minh quyền đối với nhãn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ. Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, bạn cần cung cấp được các tài liệu chứng minh sự nổi tiếng này dựa trên các tiêu chí được quy định tại Điều 75, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Chứng cứ chứng minh quyền đối với tên thương mại là các tài liệu, hiện vật chứng minh việc sử dụng đầu tiên và hợp pháp đối với tên thương mại trong lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh.
(Tổng hợp)