Thực trạng tranh chấp tên miền, bài toán vẫn chưa có lời giải
Mức độ quan trọng của tên miền thì chắc rất nhiều người biết, nó sẽ quảng bá cho thương hiệu của bạn trên môi trường internet – nơi được thống kê là 52% người dân Việt Nam tham gia và truy cập.
Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến tình trạng có một số người “nhanh tay” đăng ký trước tên miền giống tên thương hiệu của một tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đó. Và đây cũng la nguồn gốc cho những vụ tranh chấp tên miền.
Câu chuyện còn chưa có hồi kết
Theo nguyên tắc chung trên thế giới, tên miền được đăng ký nếu thỏa mãn 2 trường hợp: duy nhất và nộp đơn sớm nhất. Điều này cũng có nghĩa cơ quan đăng ký tên miền sẽ không quản lý việc đăng ký tên miền của chủ thể này có giống với tên thương hiệu của chủ thể khác hay không. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp và xung đột tên miền ngày càng tăng trong những năm gần đây giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, một nguyên nhân khác đó là việc một số đối tượng đầu cơ lợi dụng cơ chế và “thừa nước đục thả câu” khi người sở hữu thương hiệu không đăng ký tên miền, nên đã “nhanh chân” dùng chính nhãn hiệu, tên thương mại hoặc nhân vật thuộc quyền tác giả của người khác để xin cấp tên miền trước dưới tên của mình.
Nhiều tên miền “nhái” được rao bán công khai
Chính vì vậy, trong những năm vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp dài kì liên quan đến các thương hiệu nổi tiếng như: ebay.com.vn, ibm.com.vn: visa.com.vn, anz.com.vn, toyotavn.vn, camry.vn, innova.vn, sprite.com.vn, coke.com.vn, fanta.com.vn, olay.com.vn, heineken.vn, bayer.vn, bitis.vn, samsungmobile.vn, samsungmobile.com.vn, visa.com.vn, …; hay những vụ tranh chấp liên quan tới tên tổ chức, doanh nghiệp như nld.vn, nguoilaodong.vn, mhb.vn, habeco.vn, tvad.vn… Và mới đây nhất, là việc những tên miền “na ná” thương hiệu nổi tiếng như quoccuonggialai.com, nganhangxaydung.com, globalptrobank.com… được một nhóm xưng danh là nhà đầu tư tên miền, rao bán công khai tại ngã tư Trương Định – Võ Văn Tần (Q.3, TP HCM) với giá cả tỷ đồng. Vụ việc này lại thêm một lần nữa gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề không mới như chưa từng cũ: Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài.
Doanh nghiệp phải biết bảo vệ mình
Dưới góc độ của một luật sư, ông Phạm Thành Long – Giám đốc Công ty Luật Gia Phạm khuyến cáo các doanh nghiệp không nên lo sợ và bỏ tiền ra mua lại những tên miền “na ná” của mình, bởi có vô số các tên miền dạng như vậy mà bạn không thể mua hết được.
Theo luật sư Phạm Thành Long, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới quyền sở hữu trí tuệ – đó là nhãn hiệu. Và việc đăng ký nhãn hiệu phải được thực hiện bởi các chuyên gia nhãn hiệu – những người được cục sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ.
Luật sư Long cũng khuyên các doanh nghiệp không nên đăng ký bao vây tên miền, bởi không bao giờ có thể đăng ký bao vây hết được. “Ngày hôm nay có tên miền này, nhưng ngày mai có thể lại là một tên miền khác tương tự như vậy. Điều quan trọng là chúng ta cần phải đòi được, chuyển giao và hủy tên miền ấy đi. Qua đó, những người khác sẽ xem đấy như bài bài học kinh nghiệm để không bao giờ phá chúng ta nữa” – Luật sư Long nói.
Cũng theo luật sư Long, trên thế giới, những đơn vị lớn như Samsung, Apple… họ vẫn thường xuyên yêu cầu thu hồi tên miền “nhái” và hủy đi, bởi nếu giữ lại thì số lượng tên miền “nhái” sẽ trở lên rất nhiều và gây phiền cho doanh nghiệp.
Để được chuyển giao lại tên miền “nhái” các tổ chức, doanh nghiệp, người đứng đơn phải thỏa mãn ít nhất 3 điều kiện:
– Thứ nhất, tên miền bị đăng ký trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu mà người phản đối có quyền.
– Thứ hai, người nắm giữ tên miền được cho là không có bất kỳ quyền nào, hoặc lợi ích hợp pháp nào liên quan tới tên miền này.
– Thứ ba, tên miền được đăng ký nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
(Theo dddn)